Điều gì xảy ra khiến Xiaomi mất 40 tỷ USD sau 18 tháng
Theo số liệu công bố bởi IDC tuần trước, doanh số smartphone của Xiaomi giảm 40% trong quý II trong khi những đối thủ chính của họ là Huawei, Oppo và Vivo ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng.
Công ty từng là startup giá trị nhất thế giới đi từ đỉnh cao xuống vực sâu chỉ trong 18 tháng.
Chỉ 4 ngày sau Giáng sinh năm 2014, Xiaomi công bố gây quỹ thêm 1,1 tỷ USD, nâng giá trị của họ lên 45 tỷ USD. 18 tháng sau, các nhà phân tích ước đoán giá trị công ty này ở mức dưới 4 tỷ USD. Điều gì xảy ra với công ty từng là startup giá trị nhất thế giới?
Một trong những nhà đầu tư chính của Xiaomi là Yuri Milner, người tin rằng giá trị của Xiaomi có thể cán mốc trên 100 tỷ USD khi đó. “Ở mọi khía cạnh, tốc độ tăng trưởng của Xiaomi là không thể tưởng tượng”, ông từng nói với Bloomberg ở thời điểm 2014.
Milner từng đầu tư vào Facebook năm 2009 khi giá trị của nó ở mức 10 tỷ USD. Điều này giúp ông trở thành tỉ phú khi mạng xã hội này công bố IPO năm 2012. Ông cũng đầu tư vào Alibaba năm 2011, 3 năm trước khi hãng thương mại điện tử này IPO.
Tuy nhiên, ngay cả những người có thành tích đầu tư ấn tượng như Milner cũng có thể sai lầm.
Xiaomi – công ty từng được xem là startup lớn nhất thế giới – đánh mất 40 tỷ USD trong 18 tháng. Ảnh: Reuters.
Trong quãng thời gian sau đó, thị phần smartphone của Xiaomi sụt giảm liên tục trong khi hệ sinh thái các thiết bị kết nối của hãng – bao gồm cả nồi cơm điện, thiết bị thực tế ảo, thậm chí những chiếc ô – thất bại trong việc tạo ra doanh thu.
Theo số liệu công bố bởi IDC tuần trước, doanh số smartphone của Xiaomi giảm 40% trong quý II trong khi những đối thủ chính của họ là Huawei, Oppo và Vivo ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng.
Xiaomi sai ở đâu?
Sự tăng trưởng thần kỳ của Xiaomi dựa trên một yếu tố đơn giản: Họ tạo ra những chiếc smartphone với phần cứng cao cấp ở mức giá chỉ bằng nửa smartphone của Apple, Samsung. Tuy nhiên, lợi thế này nhanh chóng biến mất khi các đối thủ đi theo đúng con đường của họ, thậm chí có thêm nhiều thứ mới mẻ và sáng tạo.
Vivo sản xuất smartphone màn hình cong. Oppo và OnePlus nhấn mạnh vào tính năng sạc nhanh. LeEco mang đến những nội dung độc quyền trên smartphone trong khi Huawei cung cấp smartphone camera kép.
“Xiaomi đang đâm vào tường trong khi đối thủ với các chương trình R&D tốt hơn, có kinh nghiệm sản xuất hơn, hệ thống phân phối tốt hơn đã nhanh chóng vượt mặt họ”, Neil Shah – nhà phân tích của CounterPoint Research chia sẻ với IBTimes. “Không thể sáng tạo là điểm yếu chết người của Xiaomi”.
Một vấn đề khác của Xiaomi là họ tiếp tục tập trung vào smartphone giá siêu rẻ trong khi người dùng Trung Quốc đã sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho những chiếc smartphone của họ.
Giấc mơ phủ sóng toàn cầu thất bại
Một trong những lý do Milner tin tưởng Xiaomi sẽ tăng gấp đôi giá trị của mình hồi 12/2014 là vì khi đó Xiaomi chỉ bán smartphone tại một số thị trường châu Á. Ông tính toán rằng khi phát hành smartphone tại Mỹ và châu Âu, “Apple Trung Quốc” sẽ trở thành một công ty toàn cầu.
lei Jun – người sáng lập, kiêm CEO của Xiaomi bắt đầu cảm nhận thấy sự khó khăn trong cuộc chơi smartphone. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ Xiaomi chưa bao giờ có đủ các bằng sáng chế cần thiết để gia nhập các thị trường nói trên. Trong thời gian dài copy phần cứng và tính năng của các ông lớn như Apple, Samsung, Xiaomi không chuẩn bị đủ để gia nhập thị trường lớn. Chỉ cần có mặt tại đây, họ sẽ lập tức đối mặt với các vụ kiện và sớm trắng tay.
Ngay cả ở Ấn Độ – thị trường lớn thứ 2 của họ, Xiaomi đối mặt với việc cấm bán smartphone do vi phạn quyền sáng chế của Ericsson.
Người dùng thiếu sự trung thành
Các nhà phân tích chưa bao giờ đánh giá cao sự trung thành của người dùng Trung Quốc. Theo nghiên cứu năm 2014 của Bain & Company, các công ty tại Trung Quốc luôn phải chiến đấu để giành giật khách hàng mới do người dùng ở đây thiếu sự trung thành. Mặc dù Xiaomi đã từng chiếm được cảm tình của người dùng nhưng điều này không kéo dài lâu.
Xiaomi tự gọi mình là “công ty Internet” hơn là công ty smartphone và trong vài năm qua, họ đầu tư vào hàng loạt startup để tạo ra các sản phẩm kết nối, thứ họ gọi là “hệ sinh thái Mi”.
“Mặc dù smartphone luôn là sản phẩm quan trọng nhất, công ty này luôn nhìn về tương lai như một hãng thương mại điện tử với hàng loạt sản phẩm”, Jan Dawson – nhà phân tích của Jackdaw Research cho hay.
Nghe có vẻ như đó là một động thái khôn ngoan khi thị trường smartphone đi xuống. Vấn đề ở chỗ, Xiaomi không thể tạo ra lợi nhuận từ những khoản đầu tư này.
Tương lai bất định
CounterPoint Research cho biết, 80% doanh thu của Xiaomi đến từ smartphone, một phần không nhỏ khác đến từ phần mềm và dịch vụ. Điều này đồng nghĩa, những khoản đầu tư như Ninebot chưa đem lại hiệu quả và có thể không bao giờ đem lại hiệu quả.
Ninebot Mini là sản phẩm đón đầu trào lưu chơi hoverboard nhưng nó không để lại dấu ấn nào.
Như Steve Millward viết trên TechinAsia: “Xiaomi đang gặp vấn đề lớn và nó không còn đường quay lại”. “Tôi không thấy dấu hiệu của sự phục hồi nào đến từ Xiaomi trong tương lai”, Jan Dawson kết luận.
Tất cả điều này chỉ ra rằng công ty từng được biết đến như “Apple của phương Đông” sẽ sớm trở thành “BlackBerry của phương Đông”.
Theo Zing
Leave a Reply