Những nhóm ngành học nào dễ xin việc nhất trong những năm đến?
Trong nhóm ngành công nghệ có 2 ngành được các thí sinh quan tâm nhất đó là ngành công nghệ thực phẩm và ngành công nghệ môi trường, tuy nhiên ngoài cái tên ngành học đang “hot” thì không ít thí sinh vẫn chưa biết nhóm ngành này ra trường sẽ làm gì.
Để chọn được ngành nghề phù hợp với bản thân, dễ xin việc khi ra trường, đồng thời điểm chuẩn không quá cao đó là mong muốn của đa số các em học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, để chọn được ngành phù hợp không phải đơn giản. Chúng tôi xin giới thiệu với các bậc phụ huynh và các em học sinh một số ngành dễ xin việc trong vòng 4 năm đến để các em tham khảo.
Nhóm ngành điện – điện tử: Dễ xin việc
Tốt nghiệp nhóm ngành điện – điện tử sinh viên có khả năng vận hành, bảo trì, sửa chữa, cải tiến nâng cấp các hệ thống, thiết bị điện tử cũng như tìm hiểu, phát triển, ứng dụng điện tử công nghiệp vào đời sống hàng ngày.
Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng nhân viên quản lý hệ thống điện – điện tử trong các doanh nghiệp sản xuất là rất lớn, hoặc nếu không xin được việc tại các doanh nghiệp, sinh viên ra trường cũng có thể làm ở các xí nghiệp, nhà máy nhỏ và cũng có thể tự mở doanh nghiệp sửa chữa điện, thiết bị gia dụng, đồ dùng cho người dân.
Điểm chuẩn nhóm ngành điện – điện tử không quá cao, ở các đợt tuyển sinh ĐH các năm trước, nhóm ngành này chỉ dao động từ 14 đến 21 điểm. Theo nhận định của các chuyên gia giáo dục, nhóm ngành điện – điện tử rất thích hợp cho những em học sinh vùng sâu, vùng xa nơi đang từng bước phát triển kinh tế, khi ra trường các em cũng không cần sự quen biết để xin việc mà các công ty luôn chú trọng đến kiến thức, năng lực của sinh viên.
Nhóm ngành nông – lâm – ngư: Ổn định
Trong các đợt tuyển sinh những năm trước cho thấy, ngành nông – lâm – ngư rất ít được thí sinh quan tâm, tuy nhiên ngành nông lâm là ngành học có rất nhiều cơ hội kiếm việc bởi Nhà nước đầu tư rất lớn vào ngành này để thúc đẩy sản xuất.
Nhóm ngành này có rất nhiều ngành khác nhau như quản lý tài nguyên thiên nhiên, công nghệ sinh học, bảo vệ thực vật, khoa học cây trồng, công nghệ sau thu hoạch, chăn nuôi, thú ý, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản,… Điều dễ nhận thấy ở các thí sinh và phụ huynh không muốn cho con học ngành này vì cho rằng, học 4 năm mà ra làm nông dân.
Tuy nhiên, nếu hiểu đúng về nhóm ngành này sinh viên ra trường sẽ rất dễ xin việc, bởi vì theo phân tích nhu cầu lao động đến năm 2020, nguồn nhân lực trong ngành nông – lâm – ngư sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Sinh viên ra trường không phải làm các công việc ở ngoài đồng lúa hay trên rừng mà chỉ làm các công việc nghiên cứu, chế tạo.
Điểm trúng tuyển nhóm ngành nông – lâm – ngư cũng không cao, chỉ dao động ở mức điểm sàn của Bộ GD&ĐT, chỉ riêng ngành công nghệ sinh học có điểm trúng tuyển cao nhất là 17 điểm.
Nhóm ngành Công nghệ: Mới nhưng hấp dẫn
Trong nhóm ngành công nghệ có 2 ngành được các thí sinh quan tâm nhất đó là ngành công nghệ thực phẩm và ngành công nghệ môi trường, tuy nhiên ngoài cái tên ngành học đang “hot” thì không ít thí sinh vẫn chưa biết nhóm ngành này ra trường sẽ làm gì.
Đối với ngành công nghệ thực phẩm, tân cử nhân sẽ làm việc ở những nơi có liên quan đến vận hành dây chuyền công nghệ sản xuất, tham gia thiết kế chế tạo thiết bị công nghệ, tạo nguyên liệu mới trong lĩnh vực thực phẩm hoặc dược phẩm, hóa học.
Đối với ngành công nghệ môi trường, tân cử nhân có thể thiết kế, thi công, vận hành và quản lý hệ thống cấp thoát nước, các công trình xử lý nước thải cho các nhà máy và khu công nghiệp, công nghệ xử lý và quản lý chất thải rắn sinh hoạt – chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại.
Cử nhân ngành công nghệ môi trường còn có khả năng dự báo, phát hiện những vấn đề môi trường đã, đang và sẽ xảy ra, đồng thời biết tổ chức thực thi các biện pháp xử lý, khắc phục, phòng tránh những sự cố xảy ra có hại đến môi trường.
Đúng như nhận định của các thí sinh, hiện nay hai ngành học này đang rất “hot” và rất có triển vọng về việc làm trong các năm tới. Chính vì vậy, điểm chuẩn của ngành này cũng khá cao, dao động từ 18 – 21 điểm.
Nhóm ngành xã hội: Hoàn toàn có thể có thu nhập cao
Ngoài ngành báo chí và luật ra thì hiện nay, xu hướng của thí sinh trong việc chọn ngành, nghề đều “né” các ngành xã hội vì cơ hội việc làm sau khi ra trường ít, tỷ lệ thất nghiệp nhiều. Tuy nhiên, lãnh đạo của nhiều ngành xã hội cho biết, nhiều ngành xã hội đang khan hiếm nguồn nhân lực.
Một số ngành xã hội có nhiều triển vọng về việc làm trong các năm tới như ngành Quốc tế học, Đông phương học, ngành Hán Nôm, Việt Nam học, du lịch, văn hóa, xuất bản… Khi học các ngành này, sau khi ra trường sinh viên sẽ được làm tại các Viện nghiên cứu, các hội, sở ban ngành của Nhà nước hoặc cũng có thể làm giảng viên tại các trường đại học.
Ngành xã hội hiện nay đang rất cần nhân lực có chất lượng vì đa số thí sinh giỏi đều có ý định theo học các ngành kinh tế, tài chính – ngân hàng,… Do đó, nếu có niềm đam mê ngành và có năng lực học tập tốt, chắc chắn sinh viên ra trường sẽ được có việc làm như mong muốn.
Cụ thể như với ngành du lịch, trong quá trình học tập sinh viên học thêm nhiều ngoại ngữ khác nhau thì tỷ lệ có việc làm ở những công ty du lịch lữ hành lớn, được đi hướng dẫn du lịch nước ngoài với số lương cao hơn các ngành kinh tế là chuyện hết sức bình thường.
Với một số ngành xã hội khác cũng vậy, nhiều thí sinh cứ tưởng học ngành xã hội ra trường chỉ được làm việc ở Nhà nước với số lương hàng tháng thấp nhưng khi xin vào cũng cần phải quen biết. Tuy nhiên, đó là suy nghĩ hoàn toàn sai vì sinh viên học các ngành này hoàn toàn có thể làm ở những công ty có các hoạt động như tổ chức sự kiện, tổng hợp, xuất bản,…
Ngành Xây dựng: Việc làm nhiều
Nhiều thí sinh cho rằng học ngành xây dựng khi ra trường sẽ làm việc ngoài nắng, ít được xã hội kính trọng. Tuy nhiên, đây là ngành hiện được xã hội rất quan tâm do nhu cầu xây dựng công trình, xí nghiệp, nhà cửa ngày càng nhiều.
Khi tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư, có thể đảm nhận các công việc ngoài công trường, trong công xưởng hoặc trong văn phòng.
Công việc ngoài công trường bao gồm các vị trí như kỹ sư thi công, thợ đào – đắp đất, đóng – ép cọc, trộn bêtông cốt thép, ván khuôn, hồ nề, mộc, chống thấm, sơn, lắp đặt hệ thống cấp thoát nước sinh hoạt và thiết bị vệ sinh, lắp đặt hệ thống điện sinh hoạt; kỹ sư giám sát thi công; chỉ huy trưởng công trường.
Công việc trong văn phòng như chuyên viên hoặc nhân viên quản lý ở phòng kế hoạch, dự án, phòng quản lý chất lượng ở các đơn vị thi công xây dựng hoặc có thể thực hiện các công việc tư vấn xây dựng ở các xí nghiệp thi công.
Đây là ngành không cần sự quen biết để xin việc, do đó đối với những thí sinh không có điều kiện về kinh tế, quan hệ xã hội nhưng muốn làm giàu thì ngành xây dựng là rất thích hợp để các thí sinh lựa chọn.
Theo nhận định của các chuyên gia Giáo dục, để có một việc làm tốt sau này, thí sinh không nên đua theo các ngành nghề “cao sang” mà nên chọn nghề phù hợp với mình. Vì có phù hợp với khả năng của mình thì mình mới có thể học giỏi. Vì có thích thì mới học tốt và hẳn nhiên cơ hội việc làm sau tốt nghiệp luôn dành cho những ai có kết quả học tập tốt nhất.
Hoàng Khánh
Leave a Reply