Những lưu ý cần ghi nhớ để tránh phát nổ khi sạc điện thoại
Sử dụng điện thoại khi đang sạc là một thói quen cực xấu nhưng lại rất phổ biến, tới nỗi mà hầu như nhà sản xuất nào cũng đưa ra các cảnh báo về vấn đề này trong các hướng dẫn sử dụng.
Smartphone cháy nổ không phải là chuyện hiếm gặp nhưng thời gian gần đây những vụ việc smartphone cháy, nổ hoặc gặp sự cố gây nhiều nguy hiểm đang khiến người dùng cảm thấy lo lắng. Sau đây là những cách phòng tránh những rủi ro mà bạn có thể gặp phải với điện thoại của mình.
1. Tránh xa pin kém chất lượng
Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến cháy, nổ smartphone đến từ việc người dùng sử dụng pin thay thế kém chất lượng. Một chuyên gia đang làm việc trong lĩnh vực sửa chữa smartphone cho biết, các nhà sản xuất pin giá rẻ hiếm khi tuân thủ tiêu chuẩn sản xuất để giảm thiểu chi phí và điều này thực sự mang đến nguy hiểm cho người dùng.
Pin không chính hãng thường có chất lượng kém hơn hàng xịn khá nhiều.
Khi thay pin smartphone, bạn nên tìm đến các loại pin chính hãng với các thông số trùng với viên pin của thiết bị mà bạn đang sử dụng. Trong trường hợp bạn buộc phải dùng một viên pin đến từ bên thứ ba, hãy nhờ sự tư vấn của những người có kinh nghiệm.
Ngoài ra bạn cũng nên đặc biệt chú ý khi điện thoại hết pin nhanh hoặc quá nhiệt bất thường, kể cả đó là pin chính hãng.
2. Dùng bộ sạc chính hãng kèm theo máy
Bên cạnh pin chính hãng, sử dụng sạc chính hãng cũng là một trong những cách phòng tránh các rủi ro có thể xảy ra từ điện thoại. Nên nhớ chỉ vì sử dụng sạc không chính hãng cho iPhone 4 mà một người đàn ông ở Bắc Kinh cũng đã bị điện giật và hôn mê nặng. Một bộ sạc kém không những nhanh chóng khiến pin trên điện thoại nhanh bị hao mòn mà còn có thể bị rò điện khiến người dùng gặp nguy hiểm.
3. Hạn chế sử dụng điện thoại khi đang sạc
Sử dụng điện thoại khi đang sạc là một thói quen cực xấu nhưng lại rất phổ biến, tới nỗi mà hầu như nhà sản xuất nào cũng đưa ra các cảnh báo về vấn đề này trong các hướng dẫn sử dụng. Họ đặc biệt lưu ý người dùng của mình không tiếp xúc với điện thoại đang sạc khi tay ướt, không sử dụng ở môi trường có nguy cơ cháy nổ cao, đảm bảo đấu nối vào nguồn điện đúng quy cách…
4. Mang điện thoại đi kiểm tra sau khi bị “dính” nước
Khi smartphone bị “dính” nước, có một số thủ thuật có thể áp dụng để làm máy hoạt động trở lại khá hiệu quả. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo việc điện thoại hoạt động trở lại không đồng nghĩa rằng máy không gặp phải các hiện tượng chập mạch hay đoản mạch sau đó vì nước. Do đó, sau khi gặp sự cố và áp dụng một số biện pháp “sơ cứu” điện thoại ban đầu, hãy mang máy đến các dịch vụ sửa chữa, kiểm tra thiết bị di động để kiểm tra.
5. Cẩn trọng sau khi để điện thoại rơi
Cũng giống với trường hợp điện thoại bị “dính” nước, đừng chủ quan nếu như điện thoại của bạn vẫn hoạt động sau những cú va đập mạnh bởi vấn đề có thể đến từ những hóng hóc khó nhận ra như: linh kiện bên trong hỏng hóc, pin dò… Trong tình huống này, bạn cũng nên tìm đến dịch vụ chuyên nghiệp để kiểm tra.
Leave a Reply