Cái bắt tay đem lại nhiều lợi nhuận giữa nhà mạng và truyền hình
Tại Việt Nam, các nhà mạng đã bước vào cuộc chơi truyền hình trả tiền từ khá sớm. Họ hiểu rằng, xu thế hội tụ viễn thông và truyền hình là tất yếu và nếu chậm chân, sẽ bị giành mất thị phần. Và, với tầm nhìn, chiến lược khác nhau, đường đi và kết quả cạnh tranh truyền hình trả tiền của các nhà mạng cũng khác nhau.
Công nghệ viễn thông hội tụ với truyền hình trả tiền sẽ là “cuộc chơi mới” cho các nhà mạng Việt Nam. Tác động tương hỗ giữa 2 lĩnh vực này không chỉ tạo ra những kết quả bất ngờ mà còn là “cú huých” đối với thị trường truyền hình trả tiền.
Đại gia viễn thông và cuộc đổ bộ sang truyền hình trả tiền
Trong một diễn biến mới nhất, trùm viễn thông Mỹ AT&T đã công bố một thông tin chấn động toàn ngành viễn thông CNTT- Viễn thông: sẽ mua lại tập đoàn giải trí Time Warner với số tiền lên đến 85 tỉ USD. Nếu thương vụ mua lại Time Warner thành công, AT&T sẽ chính thức sở hữu các kênh truyền hình HBO, CNN, hãng phim Warner Bros và những tài sản về phương tiện truyền thông khác.
Trước đó, tháng 5/2014, Đại gia viễn thông Mỹ này cũng đã có một quyết định chấn động là bỏ ra 48,5 tỷ thâu tóm DirecTV, nhà cung cấp truyền hình vệ tinh số 1 tại Mỹ với 20 triệu khách hàng, để bước chân vào thị trường truyền hình trả phí có quy mô hơn 110 tỷ tại Mỹ.
Tiếp đó, nhà mạng Telenor ở Thụy Điển đã mua lại Tele2 để trở thành nhà cung cấp dịch vụ truyền hình với 270.000 thuê bao, Telefonica ở Tây Ban Nha mua vào Movistar, Vodafone ở Anh mua ONO, Orange đã ký kết một thỏa thuận để mua 100% vốn cổ phần Sun Communications, hãng truyền hình cáp hàng đầu ở Moldova.
AT&T, Orange, Comcast, SFR, Free, ONO, Movistar… đã thực hiện một “bước đi lớn” nhằm mở rộng dịch vụ trên hạ tầng mạng băng rộng của mình, cụ thể là dịch vụ truyền hình và video trên di động. Với những cuộc “hôn phối” như thế này, dịch vụ truyền hình sẽ vượt ra khỏi màn hình tivi, hiện diện trên bất kỳ thiết bị di động nào có kết nối Internet. Đó là xu hướng không thể đi ngược lại của thế giới.
Nhà mạng Việt và cuộc cách mạng viễn thông + truyền hình
Tại Việt Nam, các nhà mạng đã bước vào cuộc chơi truyền hình trả tiền từ khá sớm. Họ hiểu rằng, xu thế hội tụ viễn thông và truyền hình là tất yếu và nếu chậm chân, sẽ bị giành mất thị phần. Và, với tầm nhìn, chiến lược khác nhau, đường đi và kết quả cạnh tranh truyền hình trả tiền của các nhà mạng cũng khác nhau.
Năm 2009, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam bắt đầu cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền Internet (IPTV) đầu tiên có tên gọi là MyTV. Đến nay, MyTV đã phát triển được gần 1 triệu thuê bao nhưng từ đầu năm 2016 đến nay đang gặp nhiều khó khăn.
Viettel thì có NextTV hay NetTV cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền qua Internet, tuy nhiên sau 4 năm, kênh truyền hình này vẫn “lẹt đẹt” và chỉ có vài chục ngàn khách hàng. Viettel đã phải chuyển hướng và xin cung cấp truyền hình cáp từ năm 2013, nhưng đến tận 2015 mới đưa vào cung cấp dịch vụ này.
Theo các chuyên gia của CNN Money, điện thoại di động đang làm thay đổi cuộc sống của chúng ta. Với sự phát triển của mạng di động tốc độ cao 3G đến 4G và tiếp tục lên 5G mang lại hệ thống truyền dẫn tốc độ cao cho người dùng di động. Bên cạnh đó, với sự nâng cấp rất lớn về cả phần cứng và phần mềm, thiết bị đầu cuối, người dùng di động có cơ hội tiếp cận những tiện ích thông tin di động vô cùng phong phú gồm truyền hình, phim và dạng thức video khác.
Đó chính là lý do mà các nhà mạng thế giới và Việt Nam phải “đổi trục”, kinh doanh truyền hình trả tiền. Truyền hình trả tiền, lúc này, với kết hợp công nghệ 4G, 5G hay hệ thống khách hàng sẵn có của viễn thông không chỉ đảm bảo doanh thu mà còn là phương thức, công nghệ nền tảng để giữ gìn, phát triển khách hàng trong một hệ sinh thái mở; đồng thời tạo nền tảng phát triển tệp khách hàng xem truyền hình khiến tỉ lệ người xem các kênh truyền hình trên di động tăng vọt.
Gần như các đại gia viễn thông của Việt Nam là Viettel, VNPT, MobiFone đều đang tích cực mở rộng nhóm sản phẩm, dịch vụ theo hướng kết hợp linh hoạt giữa viễn thông, internet, truyền hình trả tiền hoặc truyền hình trên mobile…
Sự dịch chuyển đó tạo ra làn sóng hội tụ mạnh mẽ trên thị trường viễn thông – truyền hình, bao gồm hội tụ về công nghệ, thương hiệu, nội dung, dịch vụ và chính sách ưu đãi dành cho khách hàng…
Thông tin MobiTV tăng trưởng thêm gần 200.000 thuê bao sau 9 tháng, Kênh Miền Tây của MobiTV lọt vào Top 5 kênh truyền hình có thị phần cao nhất miền Tây đã khiến nhiều người ngạc nhiên. Và nó cũng hé lộ một “quả ngọt” giữa việc kết hợp giữa viễn thông và truyền hình trả tiền, một xu hướng không thể cưỡng trong tương lai…
Ông Cao Minh Thắng, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông (thuộc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) cho rằng, sự hội tụ hiển hiện rõ ràng trên những chiếc di động kết nối Internet cho phép người dùng xem các chương trình TV mọi lúc, mọi nơi và trên mọi thiết bị. Đó chính là trải nghiệm truyền hình trên sản phẩm và dịch vụ viễn thông rất “di động” và tiện lợi.
Khi công nghệ kết hợp với truyền hình trả tiền trên một dải sinh thái, sự cộng hưởng sẽ lớn hơn rất nhiều. Nắm được điều đó, nhà mạng MobiFone đã khai thác, tận dụng hệ sinh thái của mình một cách nhuần nhuyễn, tạo ra một lợi thế cạnh tranh rất lớn trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay trong lĩnh vực dịch vụ truyền hình trả tiền.
MobiTV dưới thương hiệu MobiFone đã vận dụng toàn bộ lợi thế hiện có để phát triển kênh truyền hình này. Với lợi thế là nhà mạng có công nghệ, MobiTV đã được hỗ trợ gần như tất cả: các gói xem MobiTV qua mobi, qua hệ thống đường trục cáp internet được xây dựng, các kênh tiếp thị truyền thông tới 50 triệu thuê bao MobiFone hay tận dụng từ kênh phân phối đến các khâu chăm sóc khách hàng của MobiFone…
Đây là một tín hiệu cho thấy, cuộc đua truyền hình trả tiền đã bắt đầu nóng lên, hứa hẹn mở ra một tương lai sáng tại thị trường Việt Nam, mà người được hưởng lợi cuối cùng chính là các thuê bao sử dụng di động khi với chỉ một thiết bị sẵn có họ có thể sử dụng dịch vụ viễn thông, truyền hình hay internet ở bất kỳ lúc nào.
Theo Trí Thức Trẻ
Leave a Reply