UNICEF hợp tác với Google lập bản đồ về tình trạng lây lan của virus Zika
Bà Fuller nhận định công cụ này không chỉ hữu ích đối với đợt bùng phát dịch do virus Zika gây ra hiện nay, mà còn có thể áp dụng cho các trường hợp khẩn cấp khác trong tương lai.
Trong bối cảnh virus Zika tiếp tục lây lan nhanh chóng tại Nam Mỹ và một số nơi khác trên thế giới, ngày 3/3, hãng Google thông báo đang hợp tác với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) để xác định và lập bản đồ về tình trạng lây lan của loại virus nguy hiểm này.
Thông báo trên tài khoản cá nhân, bà Jacquelline Fuller, Giám đốc Google Giving – một bộ phận phu trách lĩnh vực từ thiện của Google, cho biết một đội ngũ tình nguyện viên gồm các kỹ sư, nhà thiết kế và các chuyên gia dữ liệu của tập đoàn này đang hỗ trợ UNICEF xây dựng một nền tảng máy tính với nhiệm vụ phân tích các dữ liệu từ các nguồn khác nhau để dự đoán nguy cơ bùng phát dịch.
Theo đó, mục đích của nền tảng mở này là xác định nguy cơ lây nhiễm virus Zika đối với các khu vực khác nhau, cũng như giúp UNICEF, chính phủ các nước và các tổ chức phi chính phủ đưa ra những quyết định chính xác hơn về cách thức và khu vực cần tập trung thời gian và nguồn lực trong việc đối phó với loại virus nguy hiểm này.
Bà Fuller nhận định công cụ này không chỉ hữu ích đối với đợt bùng phát dịch do virus Zika gây ra hiện nay, mà còn có thể áp dụng cho các trường hợp khẩn cấp khác trong tương lai.
Cũng theo đại diện của Google, tập đoàn này sẽ hỗ trợ 1 triệu USD cho UNICEF nhằm hỗ trợ trong công tác ngăn chặn virus, diệt trừ muỗi, nghiên cứu vaccine phòng ngừa, cũng như nâng cao nhận thức của người dân.
Google cũng đã phát động một chiến dịch gây quỹ từ các nhân viên với mục đích cung cấp thêm 500.000 USD cho UNICEF và Tổ chức Y tế liên châu Mỹ trong cuộc chiến chống virus Zika.
Virus Zika lây lan chủ yếu qua vật chủ trung gian là muỗi vằn Aedes. Tuy nhiên, các báo cáo gần đây cho thấy virus này còn có thể lây lan qua đường tình dục.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với tốc độ lây lan nhanh chóng, virus Zika đã xuất hiện tại khoảng 50 quốc gia trên thế giới. Những bệnh nhân nhiễm virus này thường có những triệu chứng như cảm cúm, song thậm chí có thể không có dấu hiệu gì.
Tuy nhiên, mối liên hệ của virus này với hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, trí não và xương sọ kém phát triển vẫn đang gây tranh cãi lớn trong giới chức y học thế giới.
Theo báo cáo mới nhất, tại Brazil số ca trẻ sơ sinh mắc hội chứng đầu nhỏ từ tháng 10/2015 đến nay là 583 ca, gấp 4 lần số ca trung bình hàng năm của những năm trước./.
Theo TTXVN
Leave a Reply