Một cửa hàng điện thoại ở Nhật sử dụng nhân viên toàn là robot
Các robot Pepper có thể trả lời câu hỏi, đưa ra các gợi ý và trò chuyện với khách hàng bằng cách nhận biết cảm xúc của họ qua sắc thái của giọng nói và biểu hiện của khuôn mặt.
Lại thêm một ngành nghề bị robot phá thế độc quyền của con người.
Vào đầu năm nay, khi khách hàng muốn mua một chiếc điện thoại mới ở Tokyo, họ có thể sẽ nhận được sự tư vấn nhiệt tình từ một đội ngũ nhân viên bán hàng là các robot “đầy tình cảm”, luôn sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi cho người mua.
Đó là những gì nhà mạng SoftBank triển khai tại cửa hàng điện thoại Pepper của họ. Thay vì các nhân viên trong cửa hàng, nhà mạng này đã sử dụng 10 robot Pepper trong cửa hàng. Các robot Pepper có thể trả lời câu hỏi, đưa ra các gợi ý và trò chuyện với khách hàng bằng cách nhận biết cảm xúc của họ qua sắc thái của giọng nói và biểu hiện của khuôn mặt.
Đây cũng là cửa hàng đầu tiên của SoftBank trong thành phố này. Không những vậy, đây còn là cửa hàng đầu tiên trên thế giới sử dụng hoàn toàn máy móc thay vì con người như thường thấy. Vì đây chỉ là một thử nghiệm của SoftBank nên cửa hàng chỉ mở đến 30 tháng Ba.
Tại tầng một của cửa hàng, sẽ có 3 robot Pepper với các màn hình cảm ứng lớn để hiển thị thông tin cho khách hàng. Nếu một khách hàng quyết định mua chiếc điện thoại, họ sẽ được hướng dẫn lên tầng 2, nơi toàn bộ quy trình điền thông tin vào một hợp đồng điện tử được thực hiện bởi một robot Pepper khác.
Khi mọi thứ hoàn tất, khách hàng sẽ nhận được một mã QR để đưa cho một robot Pepper khác ở gần đó. Robot này sẽ quét mã và truyền dữ liệu đến cánh tay robot KuKa ở bên cạnh. Cánh tay robot này có nhiệm vụ bóc túi màu xanh chứa chiếc điện thoại đặt trên giá, và trao nó vào tay khách hàng. Trong khi đó trên tầng 3, ba robot Pepper khác làm bật các bài hát và nhẩy theo nhạc, cũng như kể chuyện cười với khách hàng đang đứng xếp hàng chờ.
Mặc dù vậy, cửa hàng vẫn chưa loại bỏ hoàn toàn nhân viên con người, ở mỗi tầng vẫn có ít nhất một nhân viên để giám sát mọi việc, và vẫn có các nhân viên mời chào khách hàng ở bên ngoài.
Cửa hàng điện thoại toàn robot ở Tokyo, Nhật Bản.
“Khoảng 700 doanh nghiệp đã sử dụng Pepper theo nhiều cách khác nhau, nhưng chúng tôi mở cửa hàng này để tìm hiểu về tiềm năng của nó, và xem mọi người phản ứng thế nào.” Ông Shohei Fujiwara của bộ phận SoftBank Robotics, cho biết. “Chúng tôi nhận được phản hồi rất tốt, với khoảng 700 hoặc 800 người đến cửa hàng mỗi ngày.”
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên Pepper được sử dụng để tương tác với con người và khách hàng trong cửa hàng ở Nhật Bản. Vào tháng Mười Hai năm 2015, Nescafe đã thuê 1.000 robot Pepper để làm việc trong các cửa hàng bán đồ gia dụng của họ ở Nhật Bản. Tại đây, các robot này sẽ giúp khách hàng tìm kiếm và hướng dẫn sử dụng máy pha café Nespresso.
Pepper được tạo ra bởi hãng robot của Pháp, Aldebaran Robotics, cũng là một công ty con của nhà mạng SoftBank. Các robot này cũng đã được làm việc trong các cửa hàng của hãng này để trợ giúp cho con người. Với mức giá bán lẻ khoảng 198.000 Yên (tương đương 1.600 USD), Pepper có thể hiểu được 80% các cuộc hội thoại. Ngoài ra chúng còn có khả năng học hỏi từ các cuộc hội thoại mới.
Bên cạnh Pepper, hãng Aldebaran còn tạo ra một robot khác là Nao, với hai camera gắn trên đầu với tác dụng như các con mắt, và bốn chiếc microphone định hướng hoạt động như tai của chúng. Robot cao 58 cm này còn được trang bị các cảm biến tiếp xúc, có thể nói 19 ngôn ngữ khác nhau. Ngoài ra, nhờ phần mềm nhúng có tên gọi NAOqi, các robot này còn có thể đọc và phân tích nét mặt để đáp lại các cảm xúc của người nói chuyện.
Nao gần đây đã được các chi nhánh của tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ thuê nhằm mục đích thử nghiệm dịch vụ. Trong một buổi giới thiệu sản phẩm tại Tokyo vào tháng Tư năm 2015, Nao được dùng để chào đón khách hàng vào ngân hàng và hỏi họ muốn dùng dịch vụ nào. Nếu việc thử nghiệm thành công, các nhân viên robot sẽ được triển khai tại nhiều chi nhánh hơn của ngân hàng Nhật Bản này vào năm 2020.
Aldebaran hiện đã sản xuất được hơn 5.000 robot Nao, và nó chủ yếu được sử dụng cho mục đích nghiên cứu và giáo dục.
Leave a Reply