Ý tưởng làm giàu táo bạo của bà trùm bất động sản Trung Quốc
Ý tưởng biến những căn hầm quân sự bỏ hoang thành các trung tâm mua sắm ngầm ở Trung Quốc đã đưa Li vào thế giới của những người siêu giàu.
Ý tưởng biến những căn hầm quân sự bỏ hoang thành các trung tâm mua sắm ngầm ở Trung Quốc đã đưa một người phụ nữ bình thường vào thế giới của những người siêu giàu.
Ý tưởng của Li giải quyết các vấn đề về mặt vị trí và tài nguyên trong bất động sản. Ảnh: Getty
Hawken Xiu Li, 53 tuổi, là một triệu phú tự thân lập nghiệp. Bà sở hữu 22 trung tâm mua sắm rải rác trên 15 tỉnh ở Trung Quốc và là bà bầu bóng đá đầu tiên của quốc gia này.
Năm 2013, tài sản ròng của người phụ nữ này là 1,5 tỷ USD, xếp thứ 974 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới của Forbes. Tuy nhiên, năm 2015, Li không còn là tỷ phú đôla do cổ phiếu của tập đoàn niêm yết tại Hong Kong xuống giá trong bối cảnh triển vọng tương lai không mấy thuận lợi.
Từng là nhà báo
Trước khi bén duyên với lĩnh vực tài chính, bà trùm bất động sản của Trung Quốc từng là một nhà báo chuyên viết về mảng tin tức xã hội. Ảnh: China Daily
Li sinh ra tại Cáp Nhĩ Tân, một thành phố phía bắc của Trung Quốc. Trước khi lấy Tony Hawken – một giáo viên người Anh, bà tên là Dai Xiu Li.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Hắc Long Giang vào năm 1986 với tấm bằng cử nhân Văn học Trung Quốc, người phụ nữ này trở thành phóng viên của tờ Harbin Daily và Zhuhai News và viết cho mảng tin tức xã hội với mức lương khiêm tốn. Năm 1991, Li nghỉ việc và tới Anh du học, nghiên cứu về lĩnh vực tài chính.
Tại đây, Li gặp Tony trong một buổi xem mặt. Lúc đó, ông vẫn còn là một giáo viên và bà đang học tiếng Anh. Họ kết hôn và sinh được một người con trai. Tuy nhiên, khi Li theo đuổi sự nghiệp, họ có ít thời gian bên nhau. Người phụ nữ này thường về Trung Quốc nơi bà phát triển đế chế bất động sản của mình trong khi Tony ở lại nước Anh vì con trai.
Trước năm 2011, cặp vợ chồng này sống trong một căn nhà nhỏ, gồm 3 phòng ngủ, ở ngoại ô thành phố London. Hàng ngày, Tony vẫn đi dạy và lái chiếc Nissan cũ.
“Vợ tôi không thích nước Anh cho lắm. Ở Trung Quốc, cô ấy có công việc kinh doanh riêng”, Tony nói với The Mirror.
Nữ hoàng bất động sản
Ý tưởng biến những căn hầm quân sự bỏ hoang thành các trung tâm mua sắm ngầm ở Trung Quốc đã đưa Li vào thế giới của những người siêu giàu.
Năm 1996, người phụ nữ này gia nhập RENHE COMM. Vị trí của bà là hỗ trợ giám đốc điều hành trong việc xây dựng chiến lược cho RENHE Group. Sau đó, bà trở thành giám đốc của Harbin 1 Renhe và trở thành chủ tịch của công ty vào năm 2002. Năm 2007, Li là giám đốc của RENHE COMM chi nhánh ở nước ngoài. Ngoài ra, từ năm 2000, bà cũng là giám đốc của Harbin 2 Baorong.
Tập đoàn của bà cùng với các công ty con hướng về mục tiêu phát triển, cho thuê và quản lý các trung tâm mua sắm ngầm ở Trung Quốc. Chúng là các hầm quân sự cũ được tân trang thành nơi bán buôn và bán lẻ quần áo. Họ kiếm lợi nhuận từ việc chuyển quyền quản lý các cửa hàng hoặc cho thuê chúng.
Năm 2009, Renhe bắt đầu xây dựng 4 dự án mới: dự án thành phố Cáp Nhĩ Tân giai đoạn VI; dự án đường Hanzheng tại thành phố Vũ Hán; dự án Handan ở tỉnh Hà Bắc; và dự án Putian tại tỉnh Phúc kiến.
Tính đến cuối năm đó, tất cả các trung tâm mua sắm do công ty của Li sở hữu đều đã được cho thuê. Tháng 4/2010, công ty mua lại quyền sử dụng một trung tâm mua sắm ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên với diện tích sàn lên đến 40.100 m2.
Sự thành công của Renhe trên thị trường chứng khoán đến từ mô hình quản lý trung tâm mua sắm dưới lòng đất. Những vật dụng trong các cửa hàng tại đây chủ yếu nhắm đến đối tượng khách hàng có thu nhập trung bình hoặc thấp.
“Các công ty bất động sản thông thường phục vụ các đối tượng có khả năng tài chính. Họ cung cấp những vị trí đẹp nhưng rất hiếm. Bước đột phá của Renhe chính là sử dụng các hầm quân sự cũ, tránh sự phụ thuộc về mặt tài nguyên và vị trí”, một nhà đầu tư nhận định.
Hôn nhân tan vỡ
Năm 2014, Tony Hawken, chồng của Li, quyết định ly hôn vì chán ngán với cảnh giàu có. Sau khi ý tưởng của vợ thành công, họ bước chân vào giới siêu giàu, sống một cuộc sống xa hoa, nhâm nhi chai rượu trị giá 1.300 USD trên du thuyền sang trọng. Tuy nhiên, người đàn ông này cho hay, ông cảm thấy thoải mái hơn khi dùng một bữa trưa bình dị.
Sau khi đột ngột trở nên giàu có, Tony vẫn mua sách trong cửa hàng từ thiện và tránh xa những bộ trang phục thiết kế. Trong một cuộc phỏng vấn với The Times, người đàn ông này chia sẻ: “Chúng khiến tôi không thoải mái. Tôi không quen với phong cách đó và không thích chi tiêu lãng phí. Khi chưa giàu, tôi vẫn thoải mái với số tiền mà tôi kiếm về”.
Li chỉ chia cho Tony 1,4 triệu USD sau khi chia tay. Tuy nhiên, người đàn ông này nói rằng, số tiền này là đủ.
“Đó không phải là một số tiền lớn so với những gì mà tôi có thể nhận nhưng cũng đủ vì tôi không có lối sống xa hoa. Tôi sẽ không phải làm việc nếu chi tiêu cẩn thận”, ông nói.
Tony chia sẻ, tình cảm 2 bên đã rạn nứt từ lâu nhưng chính khoảng cách về địa lý đã giữ họ bên nhau. Nếu sống dưới cùng một mái nhà, chắc hẳn đôi vợ chồng đã ly dị cách đó nhiều năm. Ngoài ra, ông cũng không dám đề xuất bởi sợ điều này có thể ảnh hưởng tới cậu con trai đang ở tuổi trưởng thành.
Theo Tri thức trẻ
Leave a Reply