Những lĩnh vực Google khai phá nhưng Facebook lại thành công
Một lĩnh vực khác mà lẽ ra Google phải thành công là nhắn tin, song ứng dụng Facebook Messenger đã bỏ xa thứ mà hãng tìm kiếm cung cấp.
ictnews Khi Facebook đã sẵn sàng “nhả đạn” tại hội nghị lập trình viên F8 tuần này, câu hỏi được giới quan sát đặt ra là: “Google đang ở đâu”?
Facebook dường như đã khiến Google bị lãng quên tại một số lĩnh vực mà lẽ ra “gã khổng lồ” này đã thống trị. Ráo riết phát triển các công nghệ mới mang đến cho Facebook cơ hội xáo trộn toàn ngành, chẳng hạn như bước tiến gần đây vào truyền hình trực tiếp (live-streaming).
YouTube của Google sở hữu năng lực phát sóng không thể phủ nhận. Từng cá nhân có thể truyền trực tiếp qua ứng dụng game và công ty cũng truyền hình trực tiếp các sự kiện lớn như tranh cử Tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, Facebook lại mở cửa tính năng này cho toàn bộ công chúng, đưa sự khám phá lên vị trí trung tâm và khẳng định được tính hiệu quả khi có gần 1 triệu người đăng ký xem một vụ nổ dưa hấu cùng lúc.
Tính năng broadcast (phát sóng) của Youtube có thể coi là một tính năng “lợi hại”, nhưng giờ Facebook đã có Live.
Theo một đối tác của Facebook, điều khác biệt giữa hai dịch vụ là dù lượng người xem tương đương nhau, cái mà người dùng Facebook làm là “khám phá” còn YouTube là “tìm kiếm”. Thành công trong Live – thứ gần nhất với chương trình truyền hình – mở ra tiềm năng quảng cáo khổng lồ.
Hiện tại, các nhà quảng cáo ưa thích YouTube vì nó sở hữu nội dung chất lượng cao, các nhãn hàng có thể kết nối với các tác giả nổi tiếng có lượng người theo dõi đông đảo. Mặt khác, Facebook chưa có được thứ mà các nhà quảng cáo muốn “ăn theo”.
Dù vậy, thay đổi sẽ xảy ra nếu Facebook để ý đến bản quyền hoặc tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài để phát triển nội dung chất lượng trên nền tảng. Các công cụ mới nhằm khuyến khích phát sóng trực tiếp độ nét cao trên Facebook là một trong những bí ẩn mà công ty dự định tiết lộ trong sự kiện sắp diễn ra.
Một lĩnh vực khác mà lẽ ra Google phải thành công là nhắn tin, song ứng dụng Facebook Messenger đã bỏ xa thứ mà hãng tìm kiếm cung cấp. Hangouts, phần mềm cho phép gọi video giữa cá nhân hay nhóm cũng như nhắn tin, rất được ưa chuộng.
Nhắc tới nhắn tin, có lẽ Messenger còn quen thuộc với giới trẻ hơn cả tin nhắn SMS truyền thống, và bỏ xa Hangouts của Google.
Tuy nhiên, Facebook được kỳ vọng sẽ ra mắt công cụ mới cho doanh nghiệp để tích hợp tin nhắn tự động qua các “chatbot”, kết hợp với trợ lý ảo thông minh M.
Tầm nhìn của Facebook trong tương lai là người dùng sẽ tiếp nhận lượng lớn thông tin và dịch vụ từ chat, như mua một cái áo, gọi xe Uber, đặt chỗ trong nhà hàng, mua vé xem ca nhạc, kiểm tra tình trạng chuyến bay… Nó sẽ giúp mọi người gắn bó với Messenger mà không cần đến tìm kiếm trên Google.
Nếu tham vọng của Facebook thành công, từ khóa quảng cáo của Google sẽ bất lợi không ít. Khi có thể tìm được mọi thông tin bằng cách hỏi các “bot” trong Messenger, mọi người có xu hướng ít muốn mở trang tìm kiếm khác, trong trường hợp này là Google. Google có sẵn trợ lý thông minh trong Google Now và phiên bản cao cấp hơn là Google Now on Tap lại mới xuất hiện trong thiết bị cao cấp nhất, tương ứng với tỉ lệ ít ỏi.
Các chat bot (robot trả lời tự động) của Facebook cũng đang nhăm nhe “đè bẹp” Google Now.
Thời báo Phố Wall từng đưa tin hồi cuối năm ngoái rằng Google dự định tung ra ứng dụng chat thông minh hơn nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào về sản phẩm này. Dù “công phá” mạng xã hội bằng nhiều thứ, hiện tại chỉ có YouTube là thành công lớn nhất của Google.
“Ông lớn” thất bại khi không nhìn ra xu hướng trong nhắn tin mạng xã hội, live video và cũng không thôn tính công ty nào trong lĩnh vực đó, về tương lai lâu dài vô cùng bất lợi.
Tháng sau, Google tổ chức sự kiện lập trình riêng và chắc chắn sẽ có nhiều thông báo mới được đưa ra. Nhưng, ngay cả khi hãng có phát triển ứng dụng chat thông minh hay live video “khủng”, nó vẫn chỉ có thể xếp sau Facebook.
Theo Genk
Leave a Reply