Trí thông minh nhân tạo ‘thông minh’ tới đâu ?
Mặc dù đã chứng kiến những chat-bot với khả năng tương tác trực tiếp thú vị và độc đáo, người ta vẫn khó có thể tin rằng máy tính thật sự hiểu được ngôn ngữ và tiếng nói của con người.
Trí tuệ nhân tạo AI luôn là một trong những chủ đề nóng nhất của giới khoa học và công nghệ hiện nay, đặc biệt là sự ra đời của hàng loạt những cải tiến từ những công ty sản xuất công nghệ hàng đầu trên thế giới cùng thành tích đáng ngưỡng mộ. Nhưng liệu chúng ta có thực sự hiểu hết được bản chất sâu xa của nó và những khía cạnh liên quan?
Khái niệm “Trí tuệ nhân tạo” (Artificial Intelligence – AI) được ra đời vào năm 1956, vốn là chủ đề của một cuộc hội thảo tổ chức bởi các nhà khoa học đến từ Dartmouth, một trường Đại học thuộc Ivy League tại Mỹ.
Trong buổi thảo luận thú vị ấy, những thành viên tham gia đã đóng góp ý kiến về cách thức mà máy tính sẽ hỗ trợ mọi hoạt động của con người trong tương lai, kể cả liên quan đến quy trình xử lý thông tin tương tự não bộ như chơi cờ, soạn nhạc hoặc phiên dịch. Không khí buổi họp trở nên tích cực và sôi nổi đến lạ thường, dù đây chỉ là một sự kiện mang tích chất bình thường trong giới khoa học đầy rẫy những bất ngờ và ngạc nhiên.
Công cuộc chế tạo nên một hệ thống máy móc có thể “động não” vẫn luôn là một trong những mối bận tâm lớn nhất của các nhà khoa học vì sự phức tạp và cơ chế vận hành tinh vi của nó. Dù vậy, thế hệ máy tính từ những năm 1940 cũng đã phần nào được thế giới nhìn nhận như một cỗ máy biết suy nghĩ và xử lý như con người.
Bài test Turing
Cha đẻ của ngành khoa học máy tính, Alan Turing, đã luôn dự đoán trước được rằng máy móc có thể làm được điều phi thường trên trong tương lai không xa. Bản báo cáo của ông vào năm 1950 đã đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại, giới thiệu phương pháp kiểm tra mang chính tên của mình – Turing Test – có tác dụng phân tích khả năng liệu một cỗ máy có thể thuyết phục con người rằng nó thật sự không phải là máy móc hay không.
Bên cạnh đó, những công trình nghiên cứu về AI suốt từ những thập niên 1950 đến 1970 đã đặt trọng tâm vào việc lập trình cho máy tính thực hiện các tác vụ cần đến trí thông minh như con người. Một trong những minh họa tiêu biểu nhất là sản phẩm của chuyên gia Arthur Samuel với khả năng chơi cờ đam. Kết quả của dự án rất rõ rệt khi từng đường đi nước bước được máy tính đặt ra ngày càng biến hóa linh hoạt để chiến thắng đối thủ.
Tuy nhiên, thành công lại không dễ dàng đến ngay lập tức đối với những trò chơi phức tạp hơn như cờ vua, cờ vây…
Một ví dụ nữa cần được nhắc đến đó là dự án triển khai AI trong lĩnh vực toán học, đặc biệt là tính tích phân. Dù vậy, vài năm sau đó, việc sử dụng máy móc để giải quyết những bài toán trên đã trở nên phổ biến và dễ dàng đến nỗi chúng không còn được nhắc đến như là một khía cạnh liên quan đến AI nữa.
Nhận diện giọng nói? Chưa đến lúc!
Trái ngược với những thành công ban đầu trên, quá trình phát triển công cụ phiên dịch ngôn ngữ và nhận diện giọng nói lại tiến triển một cách khiêm tốn. Vẫn chưa có phương pháp nào đủ hiệu quả và triệt để được đưa ra để phát huy hết tiềm năng của máy tính vào thời điểm bấy giờ.
Tuy vậy, trào lưu tập trung đầu tư vào AI lại nở rộ vào những năm 1980 nhờ vào những nền tảng công nghệ đột phá. Hàng loạt những thành tích đã được ghi lại, gắn liền với lĩnh vực chẩn đoán bệnh trong y tế, dò tìm khoáng sản địa chất và tối ưu hóa khả năng thực hiện tác vụ của máy tính.
Mặc dù bước đầu tỏ ra hữu hiệu trong những chuyên ngành nhất định, hệ thống trên lại cần đến một vốn kiến thức sâu sắc nhất định từ các chuyên gia, chứ chưa thực sự bùng nổ và trở nên phổ biến. Nhìn chung, nó chưa thể hiện được là một trí tuệ phát triển “tự nhiên”, mà vẫn cần đến bàn tay can thiệp của con người.
Thập niên 1990 cũng đánh dấu sự suy tàn của phong trào nghiên cứu AI trên.
Hệ thống nhận diện giọng nói ra đời
Song hành với sự phát triển cố hữu của công nghệ máy tính lúc bấy giờ là những kết quả nhất định gặt hái được trong khía cạnh tiếp thu ngôn ngữ, giọng nói. Nhiều thuật toán mới được đầu tư đúng đắn, tập trung vào quy trình xử lý dựa trên nền tảng số hơn là cố gắng mô phỏng lại hoàn toàn bộ não của con người.
Cuối cùng, sự xuất hiện của những trợ lý ảo điều khiển và tương tác bằng giọng nói như Siri của Apple và Ok Google cũng điểm một bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển thăng trầm của ngành khoa học máy tính. Tất nhiên, không thể không kể đến hàng loạt những phần mềm phiên dịch khác.
Mặc dù đã chứng kiến những chat-bot với khả năng tương tác trực tiếp thú vị và độc đáo, người ta vẫn khó có thể tin rằng máy tính thật sự hiểu được ngôn ngữ và tiếng nói của con người. Vẫn còn những hạn chế ban đầu mà Siri và Ok Google cần khắc phục, liên quan tới ngữ cảnh phù hợp khi giao tiếp.
Một khó khăn nữa khiến các nhà khoa học của thập niên 1970 lại phải đau đầu một phen đó là công nghệ nhận diện khuôn mặt. Tất nhiên, với trình độ công nghệ khi ấy, điều này đồng nghĩa với con đường dẫn đến một ngõ cụt vô vọng.
Còn ngày nay thì sao? Facebook hiện tại thậm chí có thể phân biệt mọi người chỉ bằng vài thao tác đánh dấu (tag). Các ứng dụng chụp ảnh có thể nhận diện khuôn mặt đối tượng khá nhanh và chuẩn xác. Nhưng đó là nhờ vào những phương thức, thuật toán xử lý thông tin chứ chưa hề liên quan tới một chút “chất xám” nào cả.
Linh hoạt, nhưng vẫn chưa đủ thông minh…
Trải qua hàng loạt nghiên cứu, đi kèm với nhiều phân tích kỹ lưỡng, cuối cùng chúng ta cũng có thể tự phát triển những thuật toán tài tình, ứng dụng lên máy tính thay vì để nó tự “học hỏi
Trong một vài sự kiện gần đây, máy tính nay đã đánh bại được cả những kiện tướng cờ vua, cờ vây trên toàn thế giới. Đây thực sự là bằng chứng minh họa rõ nét nhất cho thành công vượt trội của những phương pháp, kỹ thuật phân tích được áp dụng sẵn cho máy móc, mà chưa đả động gì đến khả năng tự “suy nghĩ” và đưa ra quyết định của chúng.
Minh chứng cuối cùng cho một viễn cảnh đầy hứa hẹn của lĩnh vực này trong tương lai là Watson – hệ thống máy tính phát triển bởi IBM đã bất ngờ vượt qua tất cả những nhà vô địch trong show truyền hình Jeopardy nổi tiếng.
Watson thể hiện khả năng tài tình trên truyền hình
“Tiến sĩ” Watson?
IBM đã và đang áp dụng nền tảng công nghệ tiên tiến của Watson cho công cuộc chẩn đoán chính xác triệu chứng và bệnh tật bằng cách xử lý và phân tích mọi tiền sử và thông tin bệnh lý liên quan đến đối tượng.
Toàn cảnh hệ thống máy tính Watson của IBM
Bản thân tôi không đồng tình với quan điểm cho phép Watson ra quyết định liên quan đến khía cạnh điều trị y tế như trên. Tìm ra thêm nhiều dữ liệu và cơ sở tìm kiếm là tốt, nhưng khoảng cách từ đó cho đến khi hoàn toàn làm chủ khả năng độc lập đưa ra chẩn đoán cho tình trạng bệnh nhân vẫn còn rất xa.
Tương tự như vậy, trường hợp áp dụng công nghệ máy tính vào dạy học bằng cách đối chiếu lỗi sai của học sinh với những cách giải quyết nhất định cũng đang gây nên nhiều tranh cãi. Phải là một giáo viên với tinh thần thấu hiểu và đồng cảm mới có thể nắm rõ tình trạng thực sự đang diễn ra, thúc đẩy và động viên học sinh – điều mà máy tính cho đến nay vẫn chưa thể làm được.
Còn nhiều, rất nhiều lĩnh vực nữa mà khoa học máy tính không nên can thiệp hoàn toàn vào nếu không muốn xảy ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, chẳng hạn như luật pháp, quân sự…
(Ảnh minh họa)
Những bước tiến đột phá trong ngành công nghệ suốt 60 năm qua đã tạo tiền đề cho một nền tảng vững chắc và tiên tiến về khả năng của máy móc, vốn được mọi người nghĩ rằng chúng thật sự liên quan đến trí thông minh. Nhưng vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước chúng ta phải đương đầu và vượt qua nếu muốn chế tạo một hệ thống có đẩy đủ chức năng và vai trò như bộ não con người.
Nói cách khác, sự ra đời những thiết kế ô-tô tự động như hiện nay là quá đủ rồi. Vội vàng rút ngắn công đoạn chưa bao giờ là một ý kiến hay, mà hãy tập trung bước những bước đi thật chắc chắn trong công cuộc phát triển công nghệ. Và hãy nhớ, đừng bao giờ để con người bị thay thế bởi bất cứ thứ gì khác!
Tham khảo: iflscience
Theo Trí Thức Trẻ
Leave a Reply