Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen : “Hoặc là bây giờ hoặc không bao giờ”
Ông Lê Phước Vũ quyết liệt “hoặc là bây giờ hoặc không bao giờ”. Chúng ta thiếu chính sách, nền kinh tế này phải có những tập đoàn mũi nhọn để kéo cộng đồng doanh nhân phát triển.
“Tôi đã làm rất tốt khi đầu tư dự án vài trăm triệu USD, nhưng nghĩ về đầu tư dự án vài tỷ USD, vài chục tỷ USD như Formosa, tôi không dám đầu tư khi tôi không có sự hỗ trợ nào từ Chính phủ. Tôi không thể ôm rủi ro cho tôi và cổ đông của tôi.”
Đây là chia sẻ tâm huyết của ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) tại hội thảo: “Kịch bản bản kinh tế Việt Nam 2016 – Tăng trưởng kinh tế và Phát triển Đầu tư trong bối cảnh hội nhập” tổ chức ngày 3/3/2016 tại TP. Hồ Chí Minh.
20.000 tấn tôn thành phẩm đi Hoa Kỳ chẳng là gì với doanh nghiệp FDI
Ông Lê Phước Vũ thẳng thắn, nhiều người chúc mừng ông khi biết tin HSG xuất khẩu 20.000 tấn tôn thành phẩm sang Hoa Kỳ, nhưng với ông, ông thấy lo hơn mừng. 20.000 tấn tôn thành phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ chẳng là gì với các doanh nghiệp thép có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam (FDI).
Khu vực FDI đang chiếm gần 70% kim ngạch xuất khẩu cả nước nói chung, riêng ngành thép khu vực FDI đóng góp khoảng 60% giá trị xuất khẩu (năm 2015). Theo ông Lê Phước Vũ, đây là điều tốt trong trước mắt, nhưng là một nguy cơ lâu dài. Vì “xác của chúng ta nhưng hồn ở nước ngoài”. Điều đó cực kỳ nguy hiểm.
“Với những ưu đãi Chính phủ dành cho doanh nghiệp nước ngoài trong thời gian qua, chúng tôi – cộng đồng doanh nghiệp nội làm thế nào để phát triển? Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, doanh nghiệp nhà nước đã không làm tròn vai trò lịch sử của họ trong thời gian qua.”
Ông Vũ nhấn mạnh: “Chúng ta đang hội nhập sâu rộng toàn cầu, cuộc chơi này không phải chỉ cho doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân, mà là cuộc chơi của doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. Ai sẽ dẫn dắt nền kinh tế này khi mà khu vực FDI đang lấn át? Chúng ta – những doanh nghiệp Việt luôn ở vị thế thất thế, yếu và thiếu.
Các doanh nghiệp FDI có gốc là những tập đoàn lớn của nước ngoài. Nhiều tập đoàn trong số này đã hình thành và phát triển hàng trăm năm rồi, họ đã phát triển rất cao rồi. Họ tích lũy được vốn, công nghệ, kinh nghiệm, năng lực quản trị và thương hiệu. Chúng ta gần như chỉ mới bắt đầu”.
Hoặc là bây giờ hoặc không bao giờ!
Doanh nghiệp tư nhân nội địa sinh sau đẻ muộn, lại phải trải qua những cú sốc lớn trong giai đoạn 2008 – 2013 đã khiến cho tinh thần của cộng đồng doanh nhân xuống rất thấp, chỉ mới hồi lại trong 2 năm qua nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước trong điều hành lãi suất và tỷ giá. Nhưng nếu hội nhập với thực trạng nội lực yếu chúng ta sẽ vuột mất cơ hội.
Ông Lê Phước Vũ quyết liệt “hoặc là bây giờ hoặc không bao giờ”. Chúng ta thiếu chính sách, nền kinh tế này phải có những tập đoàn mũi nhọn để kéo cộng đồng doanh nhân phát triển. Nguồn cảm hứng của cộng đồng doanh nhân là rất quan trọng. Hãy tạo cho cộng đồng doanh nhân nguồn cảm hứng, lòng tin. Họ phải có cảm hứng để làm việc. Bởi, kinh doanh là rủi ro, nếu cộng đồng doanh nhân có nguồn cảm hứng, và được hành xử bằng sự trung thực, bằng trách nhiệm, nghị lực họ mới thành công, có thể dẫn dắt thị trường.
“Những năm rồi tôi bán cổ phiếu vì tôi thiếu lòng tin”
Theo ông Lê Phước Vũ, nguồn lực quốc gia trong nhiều năm liền đã dồn vào một số doanh nghiệp lớn, mà các doanh nghiệp chủ yếu đầu cơ vào bất động sản và tài chính. Lãi suất vay giai đoạn 2011 – 2013 tăng cao là do những lực lượng này làm méo. Nguồn lực quốc gia nên dồn cho sản xuất để tạo ra giá trị thật, tạo ra thu nhập cho đại đa số người lao động.
Ông Vũ cho rằng nếu vốn ngân hàng cứ dồn vào bất động sản, vào đầu tư tài chính thì cực kỳ nguy hiểm cho nền kinh tế này. Nguồn lực quốc gia phải được dùng để tạo công ăn việc làm, tạo ra thu nhập thực thì nền kinh tế mới phát triển bền vững, cộng đồng doanh nhân có cảm hứng để làm việc.
“Những năm rồi tôi đã bán cổ phiếu vì tôi thiếu lòng tin. Tôi mong rằng, lãnh đạo hãy có trách nhiệm để tạo nguồn cảm hứng cho chúng tôi thực hiện. Nếu bây giờ chúng ta không hành động, phải hành động hết sức trách nhiệm, nỗ lực may ra chúng ta mới cứu được, bởi ngành thép hầu hết đã rơi vào tay nước ngoài” – Ông Lê Phước Vũ chia sẻ.
Dám đầu tư dự án “tỷ đô” nếu có Chính phủ đứng sau lưng?
Dẫu con số 20.000 tấn tôn thành phẩm xuất đi Hoa Kỳ chỉ là con số nhỏ trong sản lượng sản xuất và xuất khẩu của HSG, nhưng nó cho thấy quyết tâm và sự thành công của HSG trong việc đầu tư nhà máy sản xuất hiện đại.
“Tôi đã làm rất tốt khi đầu tư dự án vài trăm triệu USD, nhưng nghĩ đến dự án vài tỷ USD, vài chục tỷ USD như Formosa, tôi có dám đầu tư không khi mà tôi không có sự hỗ trợ nào?!”.
Ông Lê Phước Vũ hỏi và tự trả lời rằng “Tôi không thể nào ôm rủi ro cho tôi và cổ đông của tôi nếu không có Chính phủ đứng sau, không có sự hỗ trợ của Chính phủ. Như vậy, 5 năm nữa, 10 năm nữa ngành thép sẽ rơi vào tay ai, những ngành công nghiệp khác sẽ do ai nắm giữ? Chúng tôi cần Chính phủ có một chính sách, hãy tạo ra những doanh nghiệp mũi nhọn, dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp nội địa”.
Làm sao để doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến lên khi mà chúng ta vừa yếu, thiếu và sinh sau đẻ muộn? Nhật Bản hay Hàn Quốc, Đài Loan khi đến đây họ kéo theo các doanh nghiệp vừa và nhỏ của họ. Trong khi Việt Nam không có những doanh nghiệp dẫn dắt nên những doanh nghiệp vừa và nhỏ không đi theo được.
Ông Lê Phước Vũ kiến nghị Nhà nước tập trung nguồn lực tạo ra những tập đoàn kinh tế mũi nhọn, dẫn dắt nền kinh tế quốc gia và các doanh nghiệp/tập đoàn này phải có trách nhiệm với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các dự án của các tập đoàn nội địa làm phải ưu tiên dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nội.
Trong khi đó, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo ông Lê Phước Vũ mặc dù doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ bên ngoài, nhưng chúng ta phải tự thay đổi mình, hãy bớt đi tư duy vụn vặt để tạo ra giá trị thực sự.
Ông Lê Phước Vũ: Tỷ trọng FDI đang quá lớn, chúng tôi thực sự rất lo
Theo Diễn đàn đầu tư
Leave a Reply