Live Video có thể sẽ trở thành ổ sex ?
Facebook và các mạng xã hội khác trước nay vẫn luôn vật lộn với việc quản lý các hoạt động của người dùng trên nền tảng của mình.
Với việc phổ cập tính năng live video cho tất cả mọi người, Facebook đang đứng trước thách thức làm sao để kiểm duyệt và loại bỏ các nội dung xấu trên nền tảng của mình.
Mạng Internet, theo một số cách gọi châm biếm, được coi là miền đất hứa của phim khiêu dâm. Tuy nhiên, chỉ với một vài cú click chuột, bạn có thể tìm được nhiều điều hơn thế: ma túy, bạo lực, v…v… Nói theo một cách nào đó thì Internet là một thế giới tự do và rối loạn của chính con người (đôi khi thiên về bản năng nhiều hơn là cái tôi). Vậy nên nếu ai đó muốn thể hiện gì đó về bản thân, nhiều khả năng họ cũng sẽ thể hiện ngay trên mạng.
Đây chính là lý do vì sao chúng ta sẽ thấy hoang mang trước việc các mạng xã hội như Facebook vờ như họ có thể tạo ra một vương quốc thân thiện và hoàn toàn có thể kiểm soát.
Facebook mới đây vừa thông báo trong số các tính năng mới, hãng sẽ dành một phần không nhỏ dung lượng ứng dụng di động của mình vào mảng live video cho phép người dùng xem video tưởng thuật trực tiếp từ khắp mọi nơi trên thế giới – mảng kinh doanh giúp Facebook tạo lợi thế trước các đói thủ và khiến người dùng xem quảng cáo nhiều hơn. Hãng cũng trình chiếu cách thức các phóng viên, người nổi tiếng và vận động viên dẫn bạn vào cuộc sống của họ qua live video như thế nào. Nhưng thứ mà Facebook không đề cập tới là việc nếu tất cả mọi người đều có thể tường thuật trực tiếp, mạng xã hội này có thể sẽ phức tạp hơn rất nhiều.
Ngay cả với các khung tiêu chuẩn đã đặt ra, các live video dung tục hay bạo lực có vẻ vẫn sẽ là điều khó tránh với mạng xã hội này. Facebook hiểu điều này và muốn cho phép mọi người tự report để đội ngũ quản lý của công ty can thiệp. Tuy nhiên, khi tính năng quay và xem live video ngày càng phổ biến thì cách mà Facebook xử lý những video vi phạm này vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Cộng đồng Facebook
Facebook và các mạng xã hội khác trước nay vẫn luôn vật lộn với việc quản lý các hoạt động của người dùng trên nền tảng của mình. Việc sống còn của các mạng này phụ thuộc vào những gì người dùng chia sẻ nên Facebook rất muốn tất cả người dùng tự do chia sẻ mọi thứ. Để duy trì điều này, Facebook đưa ra các “Tiêu chuẩn cộng đồng” (quy định chính thức) chỉ rõ những loại nội dung nào sẽ bị cấm chia sẻ trên trang, trong đó bao gồm ảnh khỏa thân và những phát ngôn, hình ảnh mang tính bạo lực, thù địch.
Tường thuật trực tiếp qua live video sẽ chính là đối tượng của các quy định tương tự Facebook sắp đưa ra. Một đại diện từ Facebook cho biết công ty tin rắng hầu hết những người sử dụng live streaming sẽ “chia sẻ các trải nghiệm, khoảnh khắc cá nhân với bạn bè, gia đình mình. Tuy nhiên nếu ai đó muốn chia sẻ những nội dung bạo lực, vi phạm quy định chung của Facebook, chúng tôi sẽ cho ngừng phát video ngay khi nhận được report. Chính vì vậy mà chúng tôi để tính năng cho phép report ngay trên video”.
Nói cách khác thì việc ngăn chặn các hành vi xấu lợi dụng live video trên Facebook sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Công ty cũng có vẻ như đang kỳ vọng rằng việc bạn chia sẻ một live video cho toàn bộ friend list của mình cũng đồng nghĩa với việc bạn đã chắc chắn video đó trẻ con cũng xem được. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ai cũng sử dụng Facebook theo cách giống nhau.
Theo Sarah Robert, trợ lý giáo sư nghiên cứu về nội dung mạng xã hội đương đại tại Đại học Western Ontario cho rằng rủi ro lớn nhất là việc các mạng xã hội dựa vào chính người dùng của mình để kiểm soát các nội dung được chia sẻ. Anh cho rằng sẽ là không thành thực nếu nói live video trên Facebook sẽ không được dùng vào bất cứ việc gì vi phạm quy định của hãng này, thậm chí là phạm pháp. “Đối với nhiều người, Facebook chính là trải nghiệm cơ bản khi lên mạng, và họ sẵn sàng dùng tất cả mọi công cụ sẵn có để truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy hay bạo lực. Đây cũng chính là thực trạng của mạng Internet ngày nay.”
Thực tế
Vậy những công ty như Facebook cần làm gì để khống chế? Về phần mình, Facebook có vẻ như vẫn tin rằng dùng chính người dùng của mình để kiểm soát nội dung sẽ là chiến lược hiệu quả.
Tuy nhiên, theo lời Robert, nếu Facebook tiếp tục để người dùng tự report các nội dung không phù hợp thì chúng ta đã thấy rồi đấy. Nhiều người trong chúng ta đã cảm thấy căm phẫn khi một video quay cảnh bắn người từ góc nhìn của một tay súng ở Virginia được phát tự động trên News Feed của mình. Ngay cả khi sau đó có người report video không phù hợp thì nó cũng đã lan quá rộng rồi.
Có lẽ không khó để tưởng tượng ra tình cảnh tương tự có thể xảy đến với live video. Tính tức thời và gần gũi có thể sẽ rất hữu ích để các chính trị gia, các nghệ sĩ hay các nhà báo trò chuyện trực tiếp với người hâm mộ toàn thế giới. Nhưng nó cũng có thể được các băng nhóm khủng bố sử dụng vào truyền bá các đoạn video quay cảnh hành quyết hay các công ty sản xuất phim khiêu dâm truyền phát video đồi trụy. Và với việc Facebook cho phép lưu các live video để có thể xem lại, các đoạn tường thuật này có thể lan rộng ngay cả sau khi đã kết thúc.
Với live video, thời gian sẽ trở thành đối thủ của chính mình. Năm ngoái, giám đốc chính sách toàn cầu của Facebook Monika Bickert chia sẻ với tờ The New York Times rằng vì vấn đề an toàn, họ thường phải dành tới 48 tiếng đồng hồ để xem xét các report dạng này do người dùng gửi lên. Kể từ đó, Facebook đã cố gắng giảm thời lượng này xuống còn 24 tiếng. Tuy nhiên, với video được quay trực tiếp hiện nay thì 24 giờ đồng hồ vẫn là quá chậm chạp.
Theo lời Annemarie Dooling, biên tập viên tương tác của Racked và cũng từng là quản lý cộng đồng người đọc của các hãng truyền thông lớn như the Huffington Post thì “Vấn đề lớn nhất đối với họ chính là việc bạn sẽ không bao giờ có thể loại bỏ được hoàn toàn các nội dung rác”.
Một phần vấn đề còn nằm ở chỗ khi tất cả mọi người đều có quyền report, họ sẽ report cả những thứ đơn giản là họ không thích, có nghĩa rằng bộ phận quản lý của Facebook sẽ phải sàng lọc hàng tấn những lời phàn nàn vô nghĩa bên cạnh những report đúng nội dung cần được loại bỏ. Những người ấn nút report cần cẩn trọng trong quyết định của mình hơn.
Những việc cần làm
Robert cho rằng trước sau gì Facebook cũng sẽ không thể chỉ dựa vào cộng đồng người dùng mà còn phải dựa vào các chuyên viên quản lý nội dung để phát giác các nội dung dung tục, bạo lực, cũng chính là điều công ty từng thừa nhận. Đại diện Facebook cho biết “Chúng tôi đã và đang tích cực mở rộng đội ngũ quản lý nội dung toàn cầu chuyên xem xét và sàng lọc các nội dung bị report và chặn các nội dung vi phạm quy định của công ty”. Trên thực tế, các chuyên viên kiểm soát nội dung thậm chí còn phải xem xét các nội dung đột nhiên được lan truyền quá rộng ngay cả khi chúng chưa bị report”.
Tuy nhiên, Facebook vẫn có thể có những biện pháp khác để hạn chế tình trạng bội thực các live video rác cho người dùng. Dooling gợi ý thay vì cố loại bỏ các nội dung xấu khỏi nền tảng của mình, Facebook nên đảm bảo sao cho các nội dung hay nhất luôn hiển thị trên đầu. Để làm được như vậy, hãng có thể đẩy mạnh tính năng xác thực những người được tin tưởng (ví dụ như người nổi tiếng hay nhân vật của công chúng) cũng như những người luôn đăng tải những video chất lượng.
Hemanshu Nigam, CEO SSP Blue, công ty chuyên tư vấn giải pháp quản lý nội dung cho doanh nghiệp giải thích rằng một khoảng trễ chỉ khoảng 3 giây so với diễn biến ngoài đời thực (đã được các hãng truyền sử dụng rộng rãi) cũng có thể giúp các công ty truyền thông với đội ngũ quản lý nội dung lớn) có thể kiểm duyệt các video tường thuật trực tiếp trước khi chúng được truyền đến khán giả. Tuy nhiên, với việc live streaming ngày càng phổ biến như hiện nay thì các công ty truyền thông sẽ không thể có đủ đội ngũ ngồi canh chừng cả ngày như vậy nữa. Live video vẫn còn là vấn đề quá mới trong lĩnh vực quản lý nội dung”.
Thay vào đó, Nigam lập luận rằng các công ty như Facebook cần đưa ra các quy chuẩn cho cộng đồng càng chặt chẽ càng tốt. Sự chặt chẽ này sẽ ngăn chặn việc các nội dung xấu liên tục được sinh sôi, cho phép cộng đồng người dùng tự quản lý được mình. Anh cho rằng cùng với sự phát triển của công nghệ, Facebook có thể đưa vào các bộ lọc video tự động phát hiện máu hay hình ảnh khỏa thân dựa trên màu pixel trên hình. (Tuy một đại diện của Facebook cho biết hiện công ty chưa sử dụng bất kỳ thuật toán kiểm soát video nào).
Cuối cùng thì tất cả mọi thứ vẫn sẽ trông chờ vào đội ngũ kiểm duyệt tại Facebook, những người cầm cân nảy mực sẽ quyết định giới hạn của quyền tự do ngôn luận online. Chúng ta cũng đều biết rằng một nhóm khủng bố có thể là kẻ thù của một công đồng nhưng cũng có thể anh hùng với những người khác. Một bức hình khỏa thân có thể gây khó chịu nhiều người nhưng cũng có thể là nghệ thuật đối với những người khác. Một phong tục được coi là bình thường với một số quốc gia lại thứ gì đó dung tục với một quốc gia khác. Facebook live hiện mới được triển khai tại hơn 60 nước, nhưng cũng như các sản phẩm khác của mình, Facebook chắc chắn sẽ đưa tính năng này ra toàn cầu.
Khi thế giới ngày càng được kết nối và trở nên gần nhau hơn, việc giữ cho môi trường mạng xã hội được thân thiện, an toàn vẫn sẽ là một thách thức lớn.
Theo tin tuc
Leave a Reply