Việc cấp phép mạng 4G ở Việt Nam sẽ chậm trễ so với kế hoạch năm 2016
Ông Đoàn Quang Hoan, Cục Trưởng Cục tần số (Bộ TT&TT) cho biết, hiện tại đã là thời điểm chín muồi để phát triển dịch vụ 4G ở Việt Nam.
Kế hoạch cấp phép mạng 4G đang có nguy cơ bị chậm trễ so với kế hoạch ban đầu là năm 2016.
Kết quả thử nghiệm mạng LTE 4G của Viettel, MobiFone và VinaPhone ở các thành phố lớn cho thấy, tốc độ tải xuống của mạng 4G lên đến hơn 230 Mbps. Ảnh: Internet
Nhờ LTE 4G, tỷ lệ dịch vụ dữ liệu ở Hàn Quốc lên đến 99%
Tại hội thảo chuyên đề LTE 4G Việt Nam ngày 1/4, theo đại diện Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Kế hoạch tương lai Hàn Quốc, hiện Hàn Quốc đang có khoảng 59 triệu thuê bao di động, 20 triệu thuê bao Internet và 54 triệu máy smartphone. Kể từ khi thương mại hóa dịch vụ 4G vào năm 2010 đến nay, người dùng có xu hướng chuyển từ dịch vụ “thoại” sang dịch vụ “dữ liệu”. Cụ thể, so với năm 2009, tổng lưu lượng dữ liệu năm 2014 đã tăng 113 lần, chiếm tỷ lệ 99,2% so với 0,8% của dịch vụ thoại.
Còn đối với giá cước 1GB dữ liệu, giá cước hiện nay cũng đã thấp hơn rất nhiều. Năm 2011, giá cước 3G vào khoảng 90 USD, giá cước LTE 4G vào khoảng 60 USD thì hiện nay đã giảm xuống chỉ còn khoảng 19 USD. “Chúng tôi cũng đưa ra gói cước đặc biệt cho nhóm đối tượng thiệt thòi, đối tượng này sẽ sử dụng giá cước thấp hơn khoảng 35% và đưa ra những smartphone giá rẻ bằng cách chỉ giữ lại tính năng cơ bản và loại bỏ các tính năng không cần thiết”, vị đại diện này cho biết thêm.
Cũng theo đại diện Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Kế hoạch tương lai Hàn Quốc, để phát triển tốt mạng 4G, Hàn Quốc đã tập trung vào 5 việc bao gồm: phân bổ tần số kịp thời để đáp ứng lưu lượng sử dụng; đưa ra dịch vụ viễn thông hiệu quả; đưa ra gói cước hấp dẫn với mức giá phù hợp; xây dựng bản đồ phủ sóng của các nhà mạng và công bố với xã hội để từng người dân có thể biết được năng lực phủ sóng nhà mạng; đưa ra công nghệ đảm bảo an toàn, an sinh xã hội trên nền tảng mạng LTE.
Đại diện nhà mạng KT Telecom cho biết, năm 2015, nhà mạng này đang có khoảng 18 triệu thuê bao di động, trong đó có 12,8 triệu thuê bao LTE. Trước khi triển khai dịch vụ 4G vào năm 2012, ARPU (doanh thu trên đầu thuê bao) KT Telecom đang giảm do đưa ra các gói cước dữ liệu 3G không giới hạn. “Khi triển khai dịch vụ 4G đã làm ARPU tăng trở lại và đây là xu hướng phát triển ARPU của thị trường”, vị đại diện SK Telecom nhấn mạnh.
Ngoài ra, lưu lượng mạng LTE tăng lên rất nhiều do việc sử dụng smartphone ngày càng tăng của người dùng và các dịch vụ mới như video, âm nhạc.. Việc sử dụng dữ liệu tăng lên đã làm cho chi phí của mạng LTE giảm đi đáng kể. “Mỗi thuê bao LTE sử dụng hàng tháng khoảng 4GB dữ liệu, gấp 6 lần so với mạng 3G, trong đó tỷ lệ sử dụng các nội dung liên quan đến multimedia như youtube… lên đến hơn 50%”, đại diện SK Telecom dẫn chứng.
Đã sẵn sàng băng tần cho mạng 4G
Ông Đoàn Quang Hoan, Cục Trưởng Cục tần số (Bộ TT&TT) cho biết, hiện tại đã là thời điểm chín muồi để phát triển dịch vụ 4G ở Việt Nam. “Ở Việt Nam, tỷ lệ người sử dụng 3G đã chiếm 30% , xu hướng tăng trưởng 2G đang giảm dần và đặt ra nhu cầu phát triển các dịch vụ kế tiếp. Các doanh nghiệp di động cũng đã đặt vấn đề cho phát triển mạng LTE ở Việt Nam”, ông Hoan nói.
Cũng theo ông Hoan, hiện đã có khoảng 480 mạng LTE được triển khai ở 157 quốc gia và 116 mạng LTE-Advance được triển khai ở 57 quốc gia. “Điều này cho thấy, thời lập thiết lập mạng LTE đã đúng thời điểm và không còn là sớm nữa”, ông Hoan nhấn mạnh.
Để đảm bảo phổ tần phát triển hài hòa với công nghệ, quy hoạch và phân bố không nhỏ lẻ, đồng thời đảm bảo cho các nhà khai thác dịch vụ, ngoài 2 phổ tần mới là 2,3 Khz và 2,6 Khz được quy hoạch, cấp phép cho LTE, Cục đã đề xuất và được Bộ TT&TT đồng ý tái phân bố lại băng tần 2G trước đây (900 Mhz và 1800 Mhz) để sử dụng cho mạng 3G và 4G.
Ngoài ra, một phương án nữa được Cục tần số tính đến, đó là số hóa truyền hình để có băng tần 700 MHz cho mạng LTE. “Theo kế hoạch, việc giải phóng băng tần sau số hóa sẽ hoàn tất vào năm 2020. Tuy nhiên, do số hóa truyền hình khu vực đồng bằngdiễn ra sớm hơn nên chúng ta có thể đẩy nhanh và sử dụng băng tần này tại các thành phố lớn vào trước năm 2018”, ông Hoan nhấn mạnh.
Trước đây, theo kế hoạch, năm 2016, Việt Nam sẽ đấu giá băng tần cho mạng 4G. Tuy nhiên, dù băng tần cho mạng 4G đã sẵn sàng, Bộ TT&TT sẽ cần phải nghiên cứu để hoàn chỉnh chính sách quản lý mạng 4G như quản lý chất lượng dịch vụ, giá cước, an ninh mạng…. Vì vậy, quá trình chuẩn bị đấu thầu mạng 4G đang bị chậm lại so với kế hoạch ban đầu. “Cục Tần số đang kiên trì kiến nghị để Bộ sớm cấp phép để cung cấp dịch vụ mạng LTE ngay trong năm 2016”, ông Hoan kết luận.
Theo tintuc
Leave a Reply